Vua đầu nước ta - Kinh Dương Vương lấy Thần Long nữ sinh ra Lạc Long Quân. Lạc Long Quân kết làm vợ chồng với Âu Cơ và sinh ra một bọc trăm trứng nở thành trăm con trai.
Khi con khôn lớn, Lạc Long Quân nói: "Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, không thể ở lâu với nhau được" bèn chia 50 con cho Âu Cơ đem lên núi, còn Lạc Long Quân dẫn 49 người con xuống biển, để lại người con cả nối ngôi hiệu là Hùng Vương đặt tên nước Văn Lang đóng đô ở thành Phong Châu, truyền được 18 đời đều gọi là Hùng Vương.
Truyền thuyết kể về người anh hùng thần thoại Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt, đội nón sắt, dùng thanh kiếm sắt đánh tan giặc Ân và “bay” lên trời từ đỉnh núi Sóc Sơn vào đời vua Hùng thứ 6.
Vua Hùng thứ 6 muốn chọn con hiền nối ngôi nên ban lệnh thi cỗ. Lang Liêu dùng cơm nếp chế ra bánh chưng – bánh giầy. Vua thấy Lang Liêu hiếu thảo, chế ra 2 loại bánh quý nên truyền ngôi.
Để kén rể cho con gái Mị Nương, vua Hùng Vương thứ 18 thách cưới Sơn Tinh (Thần Núi) – Thủy Tinh (Thần Nước) nếu ai mang voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao đến trước sẽ chiến thắng.
Trong một lần ngao du, công chúa Tiên Dung – con vua Hùng thứ 18 đã gặp chàng trai nghèo Chử Đồng Tử và kết duyên vợ chồng. Hai vợ chồng cố gắng làm ăn, tầm sư học đạo và được truyền bảo vật quý.
Không ngờ, bảo vật này lại khiến vua Hùng cho rằng họ tạo phản nên đem quân đến bắt. Bất ngờ, cả vùng đất nơi Chử Đồng Tử và Tiên Dung ở bất ngờ bay lên trời, để lại đầm sâu mang tên Nhất Dạ Trạch
Tương truyền, Thục Phán An Dương Vương khi được vua Hùng thứ 18 truyền ngôi đã thề nguyện muôn đời bảo vệ non sông gấm vóc mà vua Hùng trao lại và đời đời hương khói thờ tự vua Hùng.
Vì câu nói “Của biếu là của lo, của cho là của nợ” mà Mai An Tiêm - con nuôi vua Hùng bị đẩy ra đảo hoang. Nhặt được hạt giống, Mai An Tiêm mạnh dạn gieo, chăm sóc giống cây lạ và đã cho ra loại quả dưa hấu có vị ngọt mát, ăn đỡ khát, khỏe người. Nhờ đó mà Mai An Tiêm được vua tin tưởng, cho trở lại cung đình.
Giỗ tổ Hùng Vương hay Lễ hội Đền Hùng là một lễ hội truyền thống của dân tộc tưởng nhớ công lao dựng nước của Hùng Vương, diễn ra vào ngày 10/3 âm lịch tại Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. "Tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng" đã được UNESCO công nhận là "kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại đại diện của nhân loại". |